Thoái hóa đa khớp là tên gọi để chỉ tình trạng nhiều khớp xương trên cơ thể bị thoái hóa. Tình trạng này có thể gây nên nhiều biến chứng nguy hiểm đến khả năng vận động và tính mạng. Vì vậy, những kiến thức trong bài viết giúp bạn phát hiện và điều trị bệnh kịp thời, đúng cách!
Thoái hóa đa khớp là gì?
Thoái hóa đa khớp không chỉ tập trung ở các bộ phận riêng biệt như đống sống lưng, khớp cổ, cột sống cổ, khớp háng… mà là tổng hợp ở nhiều vị trí xương khớp khác nhau. Như vậy, thoái hóa đa khớp có thể xảy ra ở bất kỳ khớp xương nào trên cơ thể.
Tình trạng thoái hóa đa khớp có thể xảy ra ở bất kỳ đối tượng nào, trong đó phổ biến là những người trung niên và cao tuổi vào giai đoạn xương khớp lão hóa. Đây là tình trạng bệnh ảnh hưởng vận động, sức khỏe xương khớp, nếu không được điều trị kịp thời có thể dẫn đến các biến chứng nguy hiểm.
Phân biệt thoái hóa đa khớp và viêm khớp
Thoái hóa đa khớp và viêm khớp đều là những bệnh lý tổn thương xương khớp. Tuy nhiên đây là hai bệnh lý hoàn toàn khác nhau. Vì vậy người bệnh nên chú ý phân biệt để lựa chọn đúng phương pháp điều trị, tăng hiệu quả khi sử dụng thuốc. Bạn có thể phân biệt tình trạng thoái hóa đa khớp và viêm khớp qua các thông tin sau:
+ Thoái hóa đa khớp: Là tình trạng các sụn bọc khớp xương bị bào mòn, xơ hóa gây đau nhức khi vận động. Thoái hóa đa khớp nặng có thể khiến người bệnh khó khăn khi di chuyển, cử động.
+ Viêm khớp: Là tình trạng cấu trúc khớp xương bị rối loạn. Biểu hiện của bệnh là sưng tấy, sưng đỏ và đau nhức ở vùng khớp bị viêm.
Viêm khớp là một bệnh tự miễn trong khi thoái hóa đa khớp là tình trạng xương khớp bị hao mòn theo thời gian. Không có biện pháp nào có thể chữa trị hoàn toàn cả hai bệnh lý này. Tuy nhiên, cả viêm khớp và thoái hóa đa khớp cần được phát hiện và điều trị kịp thời để giảm nguy cơ biến chứng của bệnh.
Nguyên nhân dẫn đến thoái hóa đa khớp
Nguyên nhân chính dẫn đến thoái hóa đa khớp là quá trình lão hóa. Ở những người trung tuổi và cao tuổi có nguy cơ mắc bệnh cao hơn bởi lúc này xương khớp bước sang giai đoạn lão hóa. Ngoài ra, còn các yếu tố khác có thể ảnh hưởng tới sự hình thành và phát triển của bệnh thoái hóa đa khớp là:
+ Người béo phì: Ở những người thừa cân, lượng mỡ có thể gây áp lực lên các trụ cột như cột sống, khớp gối… dẫn đến quá trình lão hóa diễn ra nhanh hơn.
+ Chấn thương các khớp: Những người từng gặp các chấn thương xương khớp nghiêm trọng do lao động, tai nạn sẽ khiến chức năng xương khớp suy giảm và dẫn tới thoái hóa đa khớp.
+ Cấu trúc xương bẩm sinh: Ở những người có cấu trúc xương bẩm sinh san lệch có thể khiến mô sụn bị suy giảm chức năng và tăng nguy cơ thoái hóa.
+ Người thường xuyên làm việc sai tư thế: Những người thường xuyên làm việc sai tư thế có nguy cơ thoái hóa đa khớp cao. Nhóm người này tiêu biểu là công nhân mang vác nặng, người thường xuyên vận chuyển hàng hóa bị chèn ép lên các khớp, đối tượng văn phòng, lái xe ít vận động…
Đối tượng có nguy cơ mắc thoái hóa đa khớp cao
Bất kỳ ai cũng có thể mắc thoái hóa đa khớp, tuy nhiên những đối tượng sau thường có nguy cơ mắc bệnh cao hơn thông thường:
+ Người cao tuổi: Ở những người cao tuổi, tình trạng lão hóa xương diễn ra nhanh hơn. Vì vậy, đối tượng này rất dễ mắc bệnh thoái hóa đa khớp.
+ Người lười vận động: Những đối tượng làm việc ít vận động như công nhân may, nhân viên văn phòng, lái xe… khiến các khớp thiếu linh hoạt, khô cứng dẫn đến nguy cơ mắc các bệnh về xương khớp cao.
+ Di truyền: Người có tiền sử gia đình mắc bệnh thoái hóa đa khớp thường có nguy cơ mắc bệnh cao hơn.
+ Mắc các bệnh lý: Những người từng bị tiểu đường gout, bệnh tim và các bệnh lý xương khớp thường có nguy cơ mắc thoái hóa đa khớp cao.
Dấu hiệu của bệnh thoái hóa đa khớp
Bệnh thoái hóa đa khớp xảy ra ở nhiều khớp khác nhau. Trong đó, các triệu chứng ở từng khớp là:
+ Khớp gối: Tình trạng khớp gối đau nhức, âm ỉ nhiều ngày. Ở những người thoái hóa khớp gối có các dấu hiệu như: tê bì nhức gối, khó khăn khi đứng dậy, khớp cứng, đau nhức sau khi ngủ dậy…
+ Khớp bàn tay, ngón tay: Đối với tình trạng khớp bàn tay, ngón tay bị thoái hóa, người bệnh thường có các dấu hiệu như: Khó khăn khi cầm nắm, đau nhức khi nắm tay lại…
+ Thoái hóa ngón chân, bàn chân: Những người bị thoái hóa khớp ở bàn chân, ngón chân thường gặp tình trạng đau cứng khớp, khó khăn khi di chuyển.
+ Thoái hóa đốt sống cổ: Thoái hóa đốt sống cổ có thể lan phần cánh tay, vai gáy và các đầu ngón tay. Tình trạng đau tăng nặng khi người bệnh thực hiện các động tác như gập cổ, xoay đầu…
+ Khớp háng: Những người bệnh thoái hóa khớp háng thường có khớp đau nhức dữ dội, tình trạng này có thể lan rộng xuống đùi, mông và khớp gối.
+ Cột sống thắt lưng: Dấu hiệu của vị trí thoái hóa này là đau nhức vùng thắt lưng và lan rộng xuống đùi, gối.
Người bị thoái hóa đa khớp thường có các dấu hiệu chung là:: đỏ da, có tiếng kêu lạo xạo trong xương khớp, đau khớp, cứng khớp, mệt mỏi và khó khăn khi vận động các xương khớp. Tình trạng này tăng nặng còn khiến xương khớp vận động khó, tăng nguy cơ liệt một phần/nhiều phần.
Bệnh thoái hóa đa khớp có nguy hiểm không?
Thoái hóa đa khớp là một bệnh lý phức tạp, tiến triển âm thầm trong các khớp xương và dễ lan sang các vùng khác. Người bệnh thoái hóa đa khớp không chỉ gặp tình trạng cứng khớp, xương khớp bị yếu đi mà nếu không được chữa trị kịp thời còn có thể dẫn đến bại liệt.
Tình trạng thoái hóa càng nặng hơn khi người bệnh không phát hiện sớm dẫn đến vận động và làm việc quá sức. Điều này dễ tăng nguy cơ xương khớp bị biến dạng. Hiện nay, chưa có phương pháp điều trị dứt điểm thoái hóa đa khớp. Tuy nhiên người bệnh chữa trị kịp thời giúp giảm nguy cơ mắc các biến chứng không mong muốn.
Chẩn đoán thoái hóa đa khớp
+ Siêu âm các khớp: Việc siêu âm các khớp giúp đánh giá tình trạng tràn dịch khớp, màng hoạt dịch khớp, phát hiện mảng sụn thoái hóa và đo độ dày của sụn khớp.
+ Chụp X-quang: Phát hiện những vấn đề bất thường ở các bộ phận xương khớp khác nhau.
+ Chụp cộng hưởng từ (MRI): Đây là phương pháp chẩn đoán có thể quan sát được hình ảnh của các khớp một cách đầy đủ trong không gian ba chiều. Từ hình ảnh chụp cộng hưởng từ MRI giúp các bác sĩ phát hiện được các tổn thương sụn khớp, dây chằng và màng hoạt dịch.
+ Nội soi khớp: Nội soi khớp là một phương pháp giúp quan sát các khớp thoái hóa ở nhiều mức độ khác nhau. Qua hình ảnh nội soi khớp và sinh thiết màng hoạt dịch giúp chẩn đoán và phân biệt thoái hóa khớp với các bệnh lý khác.
Ngoài các phương pháp chẩn đoán thoái hóa khớp bằng hình ảnh trên, người bệnh sẽ được thực hiện xét nghiệm khác như: Xét nghiệm sinh hóa và máu và đếm dịch tế bào khớp để phát hiện những vấn đề bất thường của xương khớp.
Điều trị thoái hóa đa khớp
Điều trị thoái hóa khớp không hề dễ dàng. Vì vậy người bệnh cần thăm khám tại các cơ sở y tế để lựa chọn được phương pháp chữa trị phù hợp. Trong đó, một số biện pháp điều trị thường được áp dụng là:
Vật lý trị liệu
Vật lý trị liệu là một phương pháp giúp giảm sưng viêm và an toàn. Tuy nhiên phương pháp này thường chỉ phù hợp với người bệnh giai đoạn nhẹ, có tác dụng chậm. Các phương pháp vật lý trị liệu phổ biến gồm:
- Sử dụng nhiệt độ hoặc nước nóng tác động trực tiếp vào khu vực xương khớp bị thoái hóa
- Xoa bóp, massage: Giúp lưu thông máu đến các mô sụn bị thoái hóa, tăng khả năng phục hồi nhanh.
- Nẹp khớp: Cố định vùng xương khớp bị sai lệch, tổn thương để giảm đau.

Dùng thuốc điều trị thoái hóa đa khớp
Các loại thuốc sử dụng trong điều trị thoái hóa chủ yếu ở dạng thuốc tây, có tác dụng giảm đau, viêm sưng hiệu quả.
- Thuốc chống viêm không chứa Steroid: Phổ biến là các loại thuốc như naproxen, ibuprofen… giúp hỗ trợ chống viêm, giảm đau.
- Thuốc giảm đau nhóm Opioid: Thuốc này được kê đơn khi người bệnh bị các cơn đau dữ dội do thoái hóa đa khớp. Tuy nhiên người bệnh không nên lạm dụng các loại thuốc thuộc nhóm này bởi có thể dẫn đến các biến chứng cho sức khỏe.
- Glucosamin sulfat: Bổ sung glucosamin cần thiết cho xương khớp bị thoái hóa. Bởi nó giúp kích thích mô sụn phát triển đồng thời phục hồi tế bào sụn bị tổn thương. Ngoài ra loại thuốc này còn giúp ức chế enzym phá hủy mô sụn và tăng cường nuôi dưỡng sụn khớp và giảm xơ cứng khớp.
- Chondroitin sulfat: Đây là chất có tác dụng kích thích sản sinh hyaluronic và proteoglycan để tái tạo và phục hồi cơ khớp bị hư tổn. Chúng có công dụng ức chế tổng hợp nitric oxid, proteolytic để tăng độ bền cho xương khớp.
- Thuốc tiêm: Các loại thuốc tiêm chữa tình trạng thoái hóa thường được bác sĩ sử dụng cho người bệnh nặng.
- Thuốc kháng viêm corticosteroid: Dạng uống hoặc tiêm giúp giảm sưng viêm và ức chế sự phát triển của các bệnh lý.
- Tiêm PRP: Có công dụng tái tạo mô sụn và phục hồi chức năng của khớp. Các loại thuốc này thường phát huy tác dụng sau khoảng 3 tháng.
Các loại thuốc chữa bệnh thoái hóa đa khớp thường có giá thành đắt và đòi hỏi người bệnh cần uống/tiêm theo đơn. Vì vậy, người bệnh cần thăm khám tại các cơ sở y tế để được tư vấn phương pháp điều trị phù hợp. Bệnh nhân thoái hóa đa khớp không tự ý kết hợp các loại thuốc, tiêm trong điều kiện không đảm bảo có thể khiến bệnh càng nặng hơn.
Phẫu thuật
Phẫu thuật được các bác sĩ chỉ định khi phương pháp điều trị khác không mang lại hiệu quả. Phương pháp này được thực hiện theo hai cách mổ nội soi và mổ hở. Phẫu thuật chứa nhiều nguy cơ rủi ro. Vì vậy các bác sĩ cần nghiên cứu bệnh lý của người bị thoái hóa đa khớp trước khi đưa ra quyết định.
Phòng ngừa thoái hóa đa khớp như thế nào?
Thoái hóa đa khớp là bệnh lý phức tạp và khó khăn khi chữa trị. Vì vậy, bạn có thể phòng ngừa bệnh này từ sớm để hạn chế nguy cơ mắc bệnh. Để phòng ngừa thoái hóa đa khớp, người bệnh cần thay đổi thói quen sinh hoạt và ăn uống, cụ thể:
- Duy trì cân nặng hợp lý: Không để tình trạng béo phì có thể dẫn đến áp lực ảnh hưởng đến khớp xương. Bạn cần có chế độ ăn uống khoa học, giảm chất béo, bổ sung nhiều canxi, vitamin D và các thực phẩm tốt cho xương khớp.
- Thường xuyên tập luyện các bài tập tốt cho xương khớp, tăng cường đi bộ để ngăn ngừa tình trạng thoái hóa xương khớp.
- Giảm mang vác hoặc vận động mạnh ảnh hưởng đến sức khỏe xương khớp
- Không uống rượu bia và sử dụng các chất kích thích có thể ảnh hưởng đến sức khỏe nói chung và xương khớp nói riêng.
Nhìn chung, thoái hóa đa khớp là một bệnh lý phức tạp và không dễ để điều trị. Vì vậy, người bệnh cần chú ý giảm nguy cơ mắc các nguyên nhân gây bệnh và chữa trị sớm để tăng khả năng phục hồi. Hy vọng những thông tin trên hữu ích với bạn!
Tìm hiểu thêm:
Nguồn: VHO